Không ai khác mang lại ảnh hưởng mạnh mẽ cho sự phát triển của trẻ ngoài ba mẹ. Mọi sự tương tác, dù chỉ là những hành động có vẻ rất bình thường, cũng có thể mang lại tác động rất quan trọng cho trẻ. Ngoài việc cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng tốt, ba mẹ còn có thể khuyến khích để trẻ phát triển và học hỏi. Đó là cách phát triển trí não cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất.
Trí thông minh
Tương tác đúng thời điểm:
Bạn cần chú ý trẻ thường thức dậy chơi vào lúc nào trong ngày. Đây là lúc trẻ tập trung quan sát mọi thứ xung quanh và chú ý đến giọng nói của mẹ. Tương tác với trẻ vào thời điểm này là tốt nhất.
Thường xuyên nhìn vào mắt trẻ:
Trẻ sơ sinh rất thích nhìn khuôn mặt của những người thân yêu. Khi trẻ thức giấc và ngọ nguậy trong nôi, bạn hãy nhìn vào mắt trẻ ở khoảng cách 20 – 30cm. Trong những tuần đầu khi mới chào đời, đây là khoảng cách lý tưởng để trẻ có thể nhìn thấy bạn. Khoảng cách này được ước lượng bằng với khoảng cách từ khuôn mặt bạn đến khuôn mặt trẻ khi bạn bế trẻ trên tay.
Treo đồ chơi trên nôi:
Bạn nên chọn loại có hình dáng vui mắt và màu sắc tương phản cao (chẳng hạn đen, trắng, đỏ). Giai đoạn này, khả năng nhìn các họa tiết của trẻ đang phát triển. Các món đồ chơi treo trên nôi sẽ có tác dụng kích thích.
Kỹ năng vận động
Dỗ yên để trẻ không giật mình:
Nếu con bạn dễ bị giật mình, hãy quấn trẻ bằng một chiếc chăn mềm mại. Sự ấm áp sẽ dỗ yên trẻ, cho trẻ cảm giác như đang ở trong bụng mẹ và cảm thấy an toàn hơn.
Khám phá các phản xạ:
Bạn có thể gắn kết với con thông qua phản xạ ở trẻ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng các phản xạ này chỉ là phản ứng vô thức. Vì vậy, khi bạn bế trẻ trong tư thế đứng trên mặt phẳng cứng và với phản xạ bước, trẻ sẽ nhấc chân như đang đi, nhưng điều đó không có nghĩa trẻ có thể tập đi vào lúc này. Đó chỉ là một cách để bạn tương tác với con và hiểu thêm về những phản xạ của con.
>>> Xem thêm : Cách nuôi dạy bé 2 tuổi
Cảm xúc
Thường xuyên bế con:
Điều này giúp trẻ cảm thấy an tâm. Mặc dù nhiều người quan niệm bế nhiều sẽ chiều hư trẻ, nhưng không phải thế. Theo thời gian, trẻ sẽ học cách điều chỉnh cảm xúc. Nhưng lúc này, trẻ cần biết mẹ cưng yêu mình như thế nào. Đó mới là điều quan trọng.
Chuyện trò và đi dạo cùng con:
Bạn có thể địu con bên người và vừa đi tới đi lui (hoặc thậm chí nhún nhảy) vừa nói chuyện với trẻ. Sự chuyển động và hơi ấm của mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu. Bạn cũng có thể quấn con trong một tấm chăn mỏng và ru con theo cách tương tự.
Chơi trò bắt chước:
Hãy thử làm một số biểu cảm đơn giản và xem con bạn có bắt chước theo không, chẳng hạn: thè lưỡi, cười hoặc phát ra âm thanh vui nhộn nào đó.
Nhờ người hỗ trợ:
Người thân, bạn bè, hàng xóm, bác sĩ… là những người bạn có thể trông cậy. Nếu biết khi cần sẽ luôn có người trợ giúp, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh và an tâm hơn. Điều này cũng có lợi cho con bạn.
Kỹ năng giao tiếp
Có mặt khi con gọi:
Đây có vẻ là một lời khuyên đơn giản, bạn chỉ cần đến ngay bên con khi bé khóc và kiểm tra xem trẻ gặp vấn đề gì: Con đói ư? Con tè ướt tã? Con bị lạnh? Sự đáp ứng nhiệt tình của bạn cho trẻ biết bạn đang chú ý đến ý muốn của trẻ. Cũng có những lúc bạn chắc chắn bé đã no bụng và không gặp vấn đề gì khó chịu, nhưng con vẫn không nín khóc. Đừng quá căng thẳng! Hãy nhờ ai đó bế hộ và ru trẻ, hoặc đặt trẻ nằm trong nôi vài phút nếu bạn cần nghỉ ngơi một chút.
Thường xuyên chuyện trò với con:
Chủ đề là gì ư? Bất cứ chuyện gì bạn thích! Hãy kể cho con nghe về một ngày của bạn, sáng tác chuyện hoặc hát những bài thiếu nhi. Đừng quên ngắm nhìn con khi chuyện trò để trẻ có thể thấy rõ khuôn mặt bạn. Đây là cách bạn đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Nhận biết các dấu hiệu tác động thái quá:
Nếu bạn để ý thấy con quay đi khi bạn đang nói chuyện hoặc chơi đùa, hãy dừng lại một chút. Đây có thể là biểu hiện cho biết trẻ cảm thấy quá tải.
Tóm lại, cùng BIBO kiểm lại các cách tốt nhất để phát triển trí não cho trẻ sơ sinh:
- Luyện trí thông minh
- Tương tác cảm xúc
- Kỹ năng vận động
- Kỹ năng giao tiếp